Ắc quy trên các xe ô tô hiện đại Ắc quy khởi động

Ắc quy trên ô tô động cơ xăng và động cơ dầu diesel

Thường thì, quá trình khởi động chỉ tiêu tốn dưới ba phần trăm dung lượng ắc quy. Vì lý do này, ắc quy ô tô được thiết kế để cung cấp dòng điện có cường độ lớn trong một khoảng thời gian ngắn. Ắc quy khởi động của ô tô còn được gọi là 'Ắc quy SLI' (khởi động, chiếu sáng và đánh lửa). Ắc quy khởi động không được thiết kế để xả sâu, và việc xả kiệt bình ắc quy có thể làm giảm tuổi thọ của nó.[1] Tuổi thọ trung bình của ắc quy trên các dòng xe ô tô sử dụng động cơ đốt trong là từ 2-4 năm. [2]

Ngoài việc khởi động động cơ, ắc quy khởi động cung cấp năng lượng phụ thêm khi nhu cầu điện của xe vượt quá nguồn cung cấp từ hệ thống sạc. Nó cũng đóng vai trò ổn định điện áp, tránh việc điện áp tăng vọt có thể gây hại cho các hệ thống điện trên xe.[3] Trong khi động cơ hoạt động, hầu hết năng lượng điện được cung cấp bởi máy phát điện, nó cũng bao gồm một bộ ổn áp để duy trì điện áp đầu ra trong khoảng 13.5 đến 14.5 V.[4] Ắc quy khởi động hiện đại thường là loại acid chì, sử dụng sáu cell đấu nối tiếp nhau để tạo ra hệ thống 12 volt (trên hầu hết các xe du lịch và xe tải nhẹ), hoặc mười hai cell cho hệ thống 24 volt trong các xe tải nặng hoặc xe công trình.[5]

Rò rỉ khí gas có thể xảy ra tại cực âm, nơi khí hydro có thể tích tụ do lỗ thông hơi của bình ắc quy bị tắc, kết hợp với nguồn lửa sẽ gây ra cháy nổ.[6] Vụ nổ trong quá trình khởi động động cơ thường liên quan đến việc cực ắc quy bị ăn mòn hoặc quá bẩn. [6] Một nghiên cứu năm 1993 của Cục An toàn Giao thông Hoa Kỳ cho biết 31% các vụ tai nạn do nổ ắc quy xe ô tô xảy ra trong quá trình sạc điện. [7] Các tình huống tai nạn dẫn đến nổ bình ắc quy phổ biến tiếp theo là trong quá trình câu nổ bình ắc quy bằng dây cáp, do quy trình gắn cáp kết nối không đúng trình tự cọc bình hoặc do gắn trực tiếp cáp âm vào cọc âm ắc quy thay vì phải gắn cáp âm vào khung sườn xe. [6][7] Gần hai phần ba số người bị thương trong các vụ tai nạn này bị bỏng acid và gần ba phần tư bị thương về mắt, cùng với những nguy cơ chấn thương khác có thể xảy ra.[7]

Ắc quy trên xe ô tô điện và xe hybrid

Xe ô tô điện (EVs) vận hành bởi loại pin có điện áp cao, nhưng hầu hết các loại xe này vẫn đước trang bị 1 bình ắc quy khởi động, bởi vì các hệ thống điện thân xe như đèn, còi đều hoạt động trên điện áp 12 V. Ắc quy khởi động trên ô tô điện lúc này được gọi là ắc quy dự phòng.

Không giống như ô tô sử dụng động cơ đốt trong, ô tô điện không sạc lại cho ắc quy dự phòng bằng máy phát điện mà sử dụng 1 bộ chuyển đổi điện áp 1 chiều để hạ điện áp từ pin xe xuống khoảng 14V để sạc cho ắc quy.[8]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Ắc quy khởi động https://www.chargingchargers.com/tutorials/batteri... https://dantri.com.vn/o-to-xe-may/5-loai-ac-quy-ot... https://aboutbatteries.batterycouncil.org/What-is-... https://www.carparts.com/blog/a-short-course-on-ch... https://van.physics.illinois.edu/qa/listing.php?id... https://www.latimes.com/archives/la-xpm-1999-aug-2... https://crashstats.nhtsa.dot.gov/Api/Public/ViewPu... https://greentransportation.info/ev-charging/range... https://web.archive.org/web/20151206005104/http://... http://www.consumerreports.org/cars/expert-advice-...